Một trong những loại di sản có giá trị phổ biến thường được thừa kế là đất đai. Thực tế cho thấy việc chia thừa kế đất đai cũng có thể dẫn tới nhiều tranh chấp. Tìm hiểu về luật thừa kế đất đai mới nhất có thể giúp hạn hiểu được cách chia loại di sản này trong nhiều trường hợp khác nhau.
1. Luật Thừa Kế Đất Đai 2015
Tại Việt Nam, cho tới hiện nay, chưa có một bộ luật riêng biệt về thừa kế mà đây là một phần nội dung của Luật Dân sự, được ban hành ngày 24/11/2015. Tại Luật Dân sự 2015, nội dung về luật thừa kế đất đai được quy định ở phần “Thừa kế” từ chương XXI cho tới chương XXIV, cụ thể:
- Chương XXI bao gồm những quy định chung, đưa ra thông tin, các khái niệm như: thừa kế, di sản, người thừa kế, từ chối nhận thừa kế,…
- Chương XXII: Làm rõ nội dung và các vấn đề xoay quanh thừa kế theo di chúc.
- Chương XXIII: làm rõ các nội dung, quy định thừa kế theo pháp luật.
- Chương XXIV: Các nội dung và thông tin liên quan tới thanh toán và phân chia di sản.
Đối với nội dung thừa kế, một số nội dung sau là điều chúng ta cần quan tâm và hiểu rõ:
- Mỗi cá nhân đều có quyền và bình đẳng về quyền để lại di sản thừa kế cũng như thừa kế di sản theo di chúc hoặc theo quy định của pháp luật.
- Khi người để lại di sản chết thì lúc ấy mới được tính là thời điểm mở thừa kế.
- Người được hưởng thừa kế: nếu là cá nhân thì phải còn sống khi mở thừa kế hoặc đã thành thai trước khi người có di sản để lại chết. Nếu là tổ chức thì tổ chức ấy phải còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
- Cá nhân cũng có quyền được từ chối nhận di sản do người khác để lại nếu điều này không nhằm trốn tránh thực hiện nghĩa vụ tài sản với người khác. Việc từ chối phải được diễn ra trước thời điểm di sản được chia và phải thông báo cho người quản lý, những người hưởng thừa kế khác được biết.
- Nếu di sản để lại không có người thừa kế cả theo di chúc và theo pháp luật hoặc trường hợp có nhưng không có quyền hưởng thì di sản ấy thuộc về nhà nước.
2. Luật Thừa Kế Đất Đai 2024 Được Thực Hiện Như Thế Nào?
Như trên đã nói, do chưa có một bộ luật thừa kế đất đai riêng biệt nên năm 2024, các nội dung về thừa kế vẫn được áp dụng theo luật Dân sự 2015 với một số nội dung chủ yếu sau:
Luật Thừa Kế Đất Đai Có Di Chúc
Di chúc có thể hiểu đơn giản là văn bản nhằm thể hiện mong muốn chuyển di sản của một cá nhân cho người khác sau khi cá nhân ấy chết. Một bản di chúc chỉ được pháp luật công nhận khi:
- Khi lập di chúc, người lập phải trong trạng thái minh mẫn và sáng suốt, tự nguyện chứ không phải bị ép buộc hay đe dọa.
- Đảm bảo tuân thủ theo quy định của pháp luật.
- Nếu người lập bị mù chữ hoặc thể chất khiếm khuyết, người làm chứng cần lập bản di chúc ấy thành văn bản, có chứng thực hoặc công chứng .
- Trường hợp người lập đủ 15 tới chưa đủ 18 tuổi: cần có ý kiến đồng ý của cha mẹ hoặc người giám hộ và điều này phải được thể hiện bằng văn bản
- Nếu di chúc được lập bằng miệng thì phải có ít nhất 2 người làm chứng và phải ghi chép lại rồi cùng kí tên hoặc điểm chỉ. Kể từ khi di chúc miệng được lập, trong thời hạn 5 ngày (ngày làm việc), di chúc được ghi chép lại phải được xác nhận, chứng thực.
Như vậy, khi di chúc đảm bảo tính hợp pháp thì di sản nói chung, đất đai nói riêng sẽ được chia theo ý chí của người để lại. Nói cách khác, mỗi người được hưởng phần đất đai bao nhiêu là phụ thuộc vào người lập di chúc.
Tuy nhiên, đối với những người thuộc một trong hai trường hợp sau:
- Là con chưa thành niên hoặc là bố, mẹ, vợ, chồng của người lập di chúc.
- Là con của người lập di chúc đã thành niên nhưng lại không có khả năng lao động.
Ngay cả khi những người này không có tên trong di chúc, hoặc có nhưng lại được hưởng ít hơn 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật thì phần di sản họ được hưởng phải bằng 2/3 suất của một người thừa kế chia theo pháp luật (trừ trường hợp họ từ chối hưởng hoặc không có quyền hưởng theo quy định).
Quyền Thừa Kế Đất Đai Không Có Di Chúc
Những trường hợp áp dụng thừa kế đất đai không có di chúc đã được quy định cụ thể theo luật thừa kế đất đai, đó là:
- Người có tài sản, đất đai để lại nhưng di chúc lại không được lập hoặc có lập nhưng không hợp pháp.
- Những người được chỉ định là người thừa kế trong di chúc lại chết cùng hoặc trước người lập di chúc. Nếu là tổ chức thì tổ chức ấy lại không còn tồn tại khi thừa kế được mở.
- Người được chỉ định là người thừa kế nhưng lại mất quyền hoặc từ chối thừa kế.
Để có thể thực hiện việc thừa kế đất đai không có di chúc, phần đất đai ấy phải đảm bảo các điều kiện đó là:
- Đất đai ấy vẫn còn thời hạn sử dụng.
- Người để lại đất đai phải có giấy chứng nhận sử dụng đối với mảnh đất ấy.
- Đất không thuộc diện đang có sự tranh chấp hoặc đang bị kê biên để phục vụ cho công tác thi hành án.
Thứ tự thực hiện luật thừa kế đất đai theo pháp luật được sắp xếp như sau:
- Hàng đầu tiên: là những người có quan hệ gần gũi nhất với người để lại đất đai, gồm: chồng, vợ, cha, mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi.
- Hàng thứ hai: là những người có quan hệ huyết thống gần gũi, như: ông bà hai bên nội ngoại, anh chị em ruột, cháu ruột (nếu người để lại đất đai là ông bà nội ngoại).
- Hàng thứ ba: cụ nội ngoại, cô, cậu, chú, bác, dì ruột, cháu ruột (nếu người có di sản để lại là bác, cô, dì, chú, cậu ruột), chắt ruột (nếu người có di sản để lại là cụ nội, ngoại).
Di sản sẽ được chia cho những người ở hàng thừa kế thứ nhất trước. Nếu hàng ấy không còn ai hay không ai có quyền được hưởng hoặc từ chối hưởng thì mới đến hàng thứ hai. Điều này cũng được thực hiện tương tự đối với hàng thứ ba.
3. Thắc Mắc Thường Gặp Về Luật Thừa Kế Đất Đai Của Bố Mẹ
Trong quá trình thực hiện luật thừa kế đất đai, có thể có những băn khoăn, thắc mắc phổ biến như:
Luật Thừa Kế Đất Đai Cho Con Được Thực Hiện Như Thế Nào?
Trường hợp có để lại di chúc, phần đất đai để lại sẽ được chia theo di chúc. Tuy nhiên, như trên đã nói, nếu con chưa thành niên hoặc đã thành niên nhưng mất khả năng lao động thì dù trong di chúc bố mẹ không để lại đất đai hoặc chia cho ít hơn 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật thì người con ấy vẫn được nhận một phần bằng 2/3 suất của một người thừa kế chia theo pháp luật.
Trường hợp không để lại di chúc, đất đai để lại của bố mẹ sẽ được chia theo pháp luật. Theo đó, tất cả những người con ruột, con nuôi của người mất có quyền được hưởng phần di sản bằng nhau.
Luật Thừa Kế Đất Đai Không Di Chúc Mới Nhất Có Áp Dụng Với Con Chưa Ra Đời Hay Không?
Trong trường hợp người chồng mất đi mà không để lại di chúc thì người con chưa ra đời vẫn thuộc đối tượng được hưởng thừa kế bằng với phần của những đứa con khác nếu đứa con đó sinh ra vẫn sống. Trường hợp đứa con đó mất trước khi ra đời thì không được hưởng thừa kế.
Có thể nói thừa kế đất đai là lĩnh vực rất nhạy cảm. Nắm vững về luật thừa kế đất đai có thể giúp bạn nhận thức rõ quyền lợi cũng như nghĩa vụ của mình, phòng ngừa những tranh chấp, mâu thuẫn trong quá trình trao, nhận thừa kế.