Chồng Nhờ Mẹ Đứng Tên Mua Nhà, Tôi Có Được Chia Tài Sản Khi Ly Hôn?

Chồng Nhờ Mẹ Đứng Tên Mua Nhà, Tôi Có Được Chia Tài Sản Khi Ly Hôn?

Vợ có được chia tài sản khi ly hôn không nếu chồng dùng tài sản chung hình thành trong thời kỳ hôn nhân để mua nhà, cho người khác đứng tên? Luật Hôn nhân và Gia đình quy định chia tài sản ly hôn như thế nào?
Câu hỏi:
Chồng tôi có mua một căn biệt thự nhưng lại nhờ mẹ đẻ đứng tên. Vậy nếu tôi và chồng ly hôn, tôi có được chia tài sản là căn biệt thự này không, vì căn biệt thự là tài sản hình thành trong thời kì hôn nhân?
Q.A (Nam Định)
Ý kiến tư vấn:
Câu hỏi của độc giả không cung cấp thông tin cụ thể về chế độ tài sản mà vợ chồng độc giả lựa chọn áp dụng, cũng như nguồn tài sản người chồng sử dụng để mua căn biệt thự.
Vì vậy, chúng tôi giả định rằng:
(i) Vợ chồng độc giả lựa chọn áp dụng chế độ tài sản theo luật định;
(ii) Chồng độc giả đã sử dụng tài sản chung của vợ chồng để mua căn biệt thự, sau đó cho mẹ đẻ của mình đứng tên.
Đối với tài sản là bất động sản, vợ chồng chia tài sản khi ly hôn phải có sự thỏa thuận bằng văn bản. Ảnh: LQS
Vui lòng lưu ý bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo do chúng tôi chưa có thông tin cụ thể về trường hợp của độc giả.
(i) Theo Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 (“Luật HNGĐ năm 2014”), tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân (trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật HNGĐ năm 2014); tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung. Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng(1).
Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận(2), riêng đối với tài sản là bất động sản thì việc định đoạt phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng(3).
Như vậy, nếu người chồng muốn sử dụng tài sản chung để mua căn biệt thự thì phải thỏa thuận bằng văn bản với độc giả. Căn biệt thự do người chồng mua trong trường hợp này cũng sẽ được xem là tài sản chung của vợ chồng độc giả.
(ii) Hành vi của chồng độc giả có thể bị xem là hành vi định đoạt tài sản chung vi phạm quy định tại Khoản 2 Điều 35 của Luật HNGĐ năm 2014. Theo đó, độc giả, dù quyết định ly hôn hay không ly hôn, có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền tuyên bố các giao dịch liên quan vô hiệu và giải quyết hậu quả pháp lý của giao dịch vô hiệu(4). Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả. Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường(5).
Tuy nhiên, độc giả lưu ý, nếu mẹ chồng độc giả không biết hành vi của người chồng là trái pháp luật và được xem là người thứ ba ngay tình, giao dịch giữa người chồng và mẹ chồng sẽ không bị vô hiệu(6). Trong trường hợp này, độc giả không có quyền đòi lại tài sản từ mẹ chồng mà chỉ có quyền khởi kiện, yêu cầu chủ thể có lỗi (người chồng) phải hoàn trả những chi phí hợp lý và bồi thường thiệt hại(7).
Chú thích:
1 – Điều 33 Luật HNGĐ năm 2014
2 – Điều 35.1 Luật HNGĐ năm 2014
3 – Điều 35.2.(a) Luật HNGĐ năm 2014
4 – Điều 13.2 Nghị định số 126/2014/NĐ-CP ngày 31/12/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hôn nhân và gia đình
5 – Điều 131 Bộ luật Dân sự năm 2015
6 – Điều 133.2 Bộ luật Dân sự năm 2015
7 – Điều 133.3 Bộ luật Dân sự năm 2015
Nhóm Cố vấn Luật – Công ty Luật RHTLaw Việt Nam
 

Tin liên quan

Copyright © 2018 - All Rights Reserved. Design by Thiết kế web https://zland.vn

0926.656.679
Đăng ký nhận tư vấn
Số điện thoại *
Họ Tên *
Nhu cầu của Anh/Chị
+